Với giới trẻ quan tâm đến kiến thức kinh doanh và có ước mơ trở thành lãnh đạo, Nguyễn Cảnh Bình không phải là cái tên xa lạ. Từ ngày mở công ty, vị giám đốc năng động của Alpha Books cũng liên tục tham gia các hoạt động văn hóa, dịch thuật, viết sách, báo, giảng dạy, diễn thuyết tại các trường đại học, trung học, làm cố vấn chương trình truyền hình là giàu không khó và cả ứng cử vảo Quốc hội.
Từ một nhân viên Nhà nước ra lập công ty với vốn liếng ban đầu chỉ là niềm đam mê với sách, sau tám năm, con đường mà ông đã chọn lại tiếp tục mở ra những hướng mới.
|
Tranh: Hoàng Tường |
* Alpha Books đã cho ra nhiều cuốn sách dạy kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu…Từ góc độ một người từng khởi nghiệp và cũng thất bại nhiều lần, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những cuốn sách mình đã làm?
– Khi rời công ty nhà nước tôi cũng chưa có ý định lập công ty ngay, nhưng sở thích làm sách, viết sách, đọc sách khiến tôi gặp nhiều người đồng chí hướng. Dần dần, tôi nghĩ rằng, lập doanh nghiệp là cách tốt nhất để làm được điều mình thích.
Giai đoạn khởi nghiệp, tôi không hình dung được những khó khăn mà người làm kinh doanh gặp phải sẽ lớn đến vậy, phức tạp đến vậy. Ban đầu, tôi hầu như không chuẩn bị tinh thần và kỹ năng cần thiết trong thương trường nên rất vất vả, phải trả giá khá nhiều.
Sau này được đọc qua rất nhiều cuốn sách quản trị kinh doanh hữu ích, tôi mới biết rằng nếu ngày đó tôi có nhiều sách để đọc như bây giờ, hẳn tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn.
Tất nhiên nếu chỉ đọc sách thuần túy thì không thể giúp con người ta giàu và giỏi lên được. Nhưng các cuốn sách cũng như lời khuyên của người đi trước. Đó là thứ chỉ đường, chỉ lối và nói cho người ta biết mình cần làm gì, cần đi đâu, cần phải thay đổi bản thân ra sao để làm giàu.
* Nếu sách vở chỉ là lời khuyên vậy thì công thức nào đã giúp cho công ty của ông phát triển được đến hôm nay?
– Tôi từng say mê tìm hiểu về tỉ phú Warrent Buffett. Đã nhiều người cho rằng chỉ cần học các nguyên tắc đầu tư của ông là có thể kiếm tiền như ông. Đó là ảo tưởng!
Nếu đọc kỹ hơn, người ta sẽ hiểu rằng đằng sau những nguyên tắc tưởng như chỉ cần học trong vài tuần là cả một quá khứ, bề dày kinh nghiệm hàng chục năm quen thuộc với các con số, quen thuộc với hoạt động doanh nghiệp…
Từ Henry Ford, Sam Walton cho đến Steve Jobs, tất cả họ đều tỉ mỉ trong từng chi tiết công việc với những kỹ năng vượt trội. Ai có thể tự tin rằng mình giỏi thuyết trình như Steve Jobs? Ai đã gõ búa nhiều như Henry Ford? Ai có thể chú ý đến từng cái tăm, từng sợi chỉ trong từng cửa hàng bán lẻ như Sam Walton?
Về cá nhân tôi, để phát triển được trong ngành xuất bản, ngoài việc đọc sách để nắm được cách thức, định hướng, tôi luôn tìm các ý tưởng mới, nỗ lực hết sức để thực hiện nó và không nản lòng trước thất bại. Phương châm của tôi là luôn hành động và dám chấp nhận thất bại.
*Từng làm việc với nhiều nhà xuất bản nước ngoài, ông thấy vị trí của ngành xuất bản ở Việt Nam so với các nước phát triển có gì khác không?
– Có thể thấy ở các nước phát triển, ngành xuất bản được xã hội coi trọng hơn ở Việt Nam rất nhiều. Trong tâm lý người dân nước họ, mức độ phát triển của ngành xuất bản cũng thể hiện mức độ phát triển của xã hội.
Đặc biệt, tại các nước Nhật, Hàn Quốc, Singapore… xuất bản được coi là một phần quan trọng của giáo dục. Với họ, không thể có nền giáo dục tốt nếu không có nền xuất bản tốt.
Hội chợ sách tại Seoul, Hàn Quốc được tổ chức vào tháng 6 vừa qua có tổng thống đến đọc diễn văn khai mạc. Ngoài ra, ở những nước này, các trí thức lớn coi việc viết sách truyền lại kiến thức cho thế hệ sau là một trách nhiệm.
Nhân đây cũng nói thêm một chút về giáo dục, lĩnh vực mà tôi rất tâm huyết. Theo tôi thấy thì những quốc gia có giai đoạn phát triển vượt bậc đều thật sự coi trọng xuất bản và giáo dục. Chẳng hạn, tại Malaysia, hầu hết các thủ tướng đều đã từng là những Bộ trưởng Bộ Giáo dục có thành tích xuất sắc.
Còn ở Mỹ, đầu thế kỷ XIX, Tổng thống Thomas Jefferson là người có tầm nhìn và có công phát triển nền giáo dục đại chúng nước này, trong khi thời điểm đó châu Âu chỉ tập trung phát triển tầng lớp tinh hoa. Kết quả là sau 100 năm theo định hướng nâng cao mặt bằng giáo dục chung của Thomas Jefferson, Mỹ vượt Anh về dân trí, kinh tế và nhiều mặt khác.
* Nếu nói rằng Việt Nam chưa coi trọng phát triển giáo dục cũng không đúng, vì tỵ lệ ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta so với đa số các nước cũng đâu có thấp?
– Không thấp nhưng chưa đúng cách. Tôi có dịp đi thăm nhiều trường chuyên của các tỉnh thành Việt Nam, những nơi được coi là lò đào tạo nhân tài của đất nước. Các trường đều được xây dựng với số tiền lên đến vài ba chục tỉ nhưng nhanh chóng xuống cấp sau vài năm sử dụng, trong khi thư viện thì chẳng có mấy sách vở giá trị.
Tôi nghĩ một năm Nhà nước chỉ cần hỗ trợ cho ngành xuất bản một vài trăm tỉ để mua sách cho sinh viên, các trường đại học, thư viện nghiên cứu là bộ mặt xuất bản sẽ rất khác! Ngành xuất bản sẽ chuyển dịch nếu việc giáo dục, học tập đi vào đòi hỏi năng lực thực chất hơn khiến người học phải đọc thêm các loại sách để tăng cường khả năng. Còn như hiện nay, sinh viên chẳng cần phải đọc thêm sách cũng tốt nghiệp.
* Đối tượng độc giả của Alpha Books chủ yếu thuộc lứa tuổi đã bắt đầu đi làm, vậy thì tại sao anh dành nhiều thời gian cho việc giảng dạy, diễn thuyết tại các trường trung học và đại học?
– Như đã nói, tôi rất tâm huyết với giáo dục và mong muốn góp một phần nhỏ để thay đổi thực tế việc đào tạo nhân tài hiện nay. Theo tôi, người Việt Nam thông minh nhưng trí tuệ không được ứng dụng nhiều trong thực tiễn để mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội.
Đến thăm các trường chuyên, tôi thấy học sinh học ngày học đêm để đạt các danh hiệu quốc gia, quốc tế, thủ khoa theo truyền thống của trường. Nhưng số cựu học sinh của các trường thành công trong nghiên cứu, kinh doanh, làm giàu… chiếm tỷ lệ rất ít.
Việc nhân tài không được đào tạo đúng cách, không có môi trường phát triển đã tạo nên tình trạng thiếu người lãnh đạo giỏi trong hàng loạt các doanh nghiệp hiện nay. Thời gian qua, việc các doanh nghiệp lớn như FPT, các ngân hàng và nhiều công ty nữa gặp khó khăn trong việc chuyển giao quyền lãnh đạo đã cho thấy thực tế trên.
Theo tôi để thành công, ngoài những mục tiêu, sự nỗ lực không ngừng, người ta nhất thiết phải trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để hiện thực hóa ước mơ đó càng sớm càng tốt.
Trong tất cả mọi cuốn sách về các nhân vật lịch sử, chính trị gia, doanh nhân, tôi luôn dành mối quan tâm hàng đầu đến thời niên thiếu của họ và thấy rằng để có kỹ năng phát triển bản thân, làm nền tảng cho thành công của cả cuộc đời, người ta cần từ năm năm tới mười năm miệt mài trau dồi.
Hơn nữa, việc rèn luyện kỹ năng cần bắt đầu từ lúc 14, 15 tuổi hoặc sớm hơn chứ không phải chờ đến 25 tuổi, khi đã nếm trải thất bại, vét sạch số tiền tự mình tích góp được hoặc của bố mẹ tin tưởng giao cho.
* Vậy trong những chuyến công tác tại các nước có nền giáo dục phát triển, anh có quan tâm đến mô hình đào tạo nhân tài của họ không?
– Có chứ! Tôi thấy các trường hành chính công ở các nước tiên tiến rất “có giá” và có tiêu chuẩn tuyển sinh khác với Việt Nam. Ngôi trường làm tôi ấn tượng nhất là Matsushita, học viện đào tạo nhân tài hàng đầu Nhật Bản được thành lập từ ý tưởng của Matsushita Konosuke, chủ tịch tập đoàn điện tử Panasonic.
Năm 1970, khi Nhật đang trên đỉnh cao phát triển, người người đều hồ hởi lạc quan, Matsushita đã dự đoán những nguy cơ về suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong 20 năm sau và ông muốn thành lập một học viện đào tạo những lãnh đạo giỏi để giúp Nhật Bản vượt qua khó khăn trong tương lai. Không ai tin dự đoán của ông nên ý tưởng về học viện đào tạo cũng bị phản đối quyết liệt.
Sau gần 10 năm kiên trì theo đuổi ý tưởng của mình, tháng 4/1980, Matsushita đã quyết định dành 7 tỉ yen từ quỹ cá nhân thành lập Học viện Quản lý và Điều hành Matsushita (Matsushita Institute of Government and Management) với mục tiêu là tìm kiếm các ý tưởng cơ bản có khả năng đóng góp vào tiến bộ và phát triển của Nhật Bản trong thế kỷ XXI, đồng thời tạo ra các nhà lãnh đạo chiến lược có khả năng biến các ý tưởng đó thành hiện thực. Mỗi năm trường chỉ tuyển trên dưới mười học viên với các tiêu chí rất khắt khe về thể lực, đạo đức, kiến thức và chỉ số IQ.
Chương trình học cũng rất đặc biệt với giảng viên đều là những nhà lãnh đạo tầm cỡ. Chỉ mười năm sau, dự đoán về nền kinh tế Nhật Bản của Matsushita thành sự thực và ngôi trường mang tên ông đến lúc này đã bắt đầu sứ mệnh của mình.
Trong số gần 250 học viên tốt nghiệp có một người làm thủ tướng, mười người làm bộ trưởng, 70 người trở thành nghị sĩ và hơn 100 người giữ chức CEO của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.
Sau khi đến thăm ngôi trường này, tôi đã có ý tưởng và cùng một số người có chung suy nghĩ bắt tay thực hiện chương trình phi lợi nhuận mang tên Chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ ABG (ABG Youth Leadership Training Program) nhằm tạo thêm môi trường, sân chơi cho những người trẻ Việt Nam có khát vọng trở thành lãnh đạo.
Qua nghiên cứu và khảo sát nhiều năm về các nhà lãnh đạo nổi bật trên thế giới, tôi cho rằng độ tuổi từ 20-25 tuổi có vai trò đặc biệt trong quá trình hình thành nhân cách và những tố chất then chốt để phát triển tương lai của một nhà lãnh đạo, vì vậy rất cần có một chương trình đào tạo đặc thù cho các tài năng ở lứa tuổi này.
* Một doanh nhân tầm cỡ như Matsushita ở đất nước Nhật tiến bộ còn mất đến mười năm để biến ý tưởng thành hiện thực, có lẽ dự án của anh cũng gặp không ít khó khăn để bắt đầu?
– Tất nhiên việc triển khai ý tưởng của tôi phải bám sát điều kiện thực tế của các nguồn lực mà tôi có thể huy động. Chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ ABG gọi tắt: Chương trình ABG) là dự án đào tạo được tổ chức và thực hiện bởi Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) – đơn vị trực thuộc
Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC) do GS-TS Trần Văn Thọ làm chủ nhiệm.
Alpha Books là Nhà tài trợ về Tri thức cho chương trình cùng sự tham gia của nhiều học giả, doanh nhân uy tín cam kết hợp tác và tài trợ học bổng. Chương trình kéo dài 12 tháng cộng thêm sáu tháng thực tế và trải nghiệm.
Sau ba tháng triển khai thử nghiệm, chương trình đã tiếp cận gần 500 bạn trẻ ưu tú, đa số là thủ lĩnh sinh viên và có tố chất lãnh đạo. Bắt đầu từ tháng 11 chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn tuyển sinh chính thức, hy vọng có thể tìm kiếm ứng viên ở các khối ngành đa dạng hơn.
Sau vòng Online Test và General Test bao gồm câu hỏi IQ, EQ, kiến thức xã hội và Tiếng Anh, kỳ vọng của chương trình là chọn được khoảng 25 đến 30 học viên có tiềm năng nhất để khai giảng khóa học vào tháng 1/2014.
Trong số những hồ sơ mà chúng tôi đã nhận có nhiều bạn có thành tích khá thú vị, chẳng hạn có bạn đã đạp xe từ Hà Nội đến Mũi Cà Mau trong 27 ngày, có bạn đã từng trải qua 11 ngày huấn luyện sinh tồn và dã ngoại trên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ…Chương trình ABG sẽ cung cấp những công cụ cần thiết của một nhà lãnh đạo như kỹ năng diễn thuyết, viết diễn văn…
Chúng tôi sẽ dạy về năng lực lãnh đạo, các học viên phải phân tích một số hình mẫu lãnh đạo nổi bật của thế giới như Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu, qua đó học bài học về xây dựng và phát triển quốc gia. Ngoài ra người muốn trở thành lãnh đạo cũng cần “Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, biết cả nhân tướng học, cảm thụ nghệ thuật…
Song song đó, các học viên sẽ được thực hành kỹ năng rèn luyện bảo vệ sức khỏe, ý chí nghị lực qua các hoạt động ngoại khóa hằng tháng.
Phương châm của chương trình là giúp học viên phát huy tinh thần tự rèn luyện và không ngừng tích lũy kinh nghiệm để phát huy những tố chất của một nhà lãnh đạo thực thụ, kiên trì với mục tiêu phát triển đất nước, dân tộc; coi trọng tự trải nghiệm và lĩnh hội thực tiễn.
* Thế tiêu chí để được vào học Chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ là gì và giảng viên của chương trình là những ai?
Những người được chọn vào chương trình ở độ tuổi từ 20 đến 25, có sức khỏe và nền tảng kiến thức tốt, chỉ số IQ cao, có tư duy sáng tạo, kiến thức cũng như có khả năng hoạt động xã hội và khả năng lãnh đạo.
Giảng viên của chương trình là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mà các học viên được học. Chẳng hạn môn lịch sử sẽ có năm đến mười chuyên gia về lịch sử tham gia hướng dẫn, trao đổi…
Tôi tin sẽ có nhiều người ủng hộ chương trình phi lợi nhuận này, họ sẽ tài trợ để chúng tôi làm được cái gì đó cho xã hội. Qua nghiên cứu và khảo sát kỹ ở cả trong và ngoài nước (trong đó có Nhật Bản là nơi tôi trực tiếp khảo sát), tôi tin mô hình này có thể giúp những nhà lãnh đạo tiềm năng xây dựng được tầm nhìn, khơi dậy được niềm đam mê học hỏi và sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao cũng như tạo điều kiện cho người học rèn luyện khả năng và kỹ năng thích nghi với mọi khó khăn, thử thách.
* Qua quá trình thực hiện Chương trình ABG, ông có nhận xét gì về giới trẻ Việt Nam hiện nay?
Tôi thấy phần lớn giới trẻ hiện nay thiên về quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh, quản trị chung, chủ yếu liên quan tới kỹ năng mềm mà ít chú trọng trau dồi kiến thức và kỹ năng chính trị – xã hội cũng như kỹ năng sinh tồn, chưa đưa được các mục tiêu về ý chí, sức khỏe, đạo đức và trí tuệ lên hàng đầu.
Nhìn rộng ra, thế hệ trẻ bây giờ có quá nhiều thông tin nhưng lại vàng thau lẫn lộn, thiếu trong sáng nên các bạn trẻ cũng ít trong sáng hơn và dễ bị những yếu tố không lành mạnh tác động, giống như con cá sống trong môi trường nước bị ô nhiễm cũng nhiễm bệnh.
Thanh niên ở các nước tiên tiến cũng bị những yếu tố độc hại tấn công nhưng họ có nền tảng tốt, được dẫn dắt tốt hơn nên đỡ chịu tác hại hơn. Nền tảng tốt cũng giống như đế con lật đật, có thể chao nghiêng nhưng không đổ, trong khi giới trẻ ở Việt Nam chưa có được cái “đế” ấy.
* Trở lại với lĩnh vực xuất bản, bên cạnh dòng sách kỹ năng, sách về các hình mẫu phát triển quốc gia, sách best seller, sắp tới Alpha Books có ý định phát triển thêm mảng sách nào khác nữa không?
Chúng tôi còn muốn phát triển một dòng sách mà có lẽ ít ai nghĩ đến. Đó là khai thác và dịch kho tàng gồm hàng trăm ngàn cuốn sách, bản tư liệu cổ bằng chữ Hán Nôm của nước mình. Việt Nam là một trong số ít quốc gia bị “đứt gãy” văn hóa do sự chuyển đổi từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ.
Hầu hết những gì mà các thế hệ cha ông đã viết ra hiện nay con cháu chúng ta không đọc được. Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Kế hoạch lâu dài của Alpha Books là sẽ khai thác được kho tàng trên. Ngoài ra, tôi cũng muốn tham gia làm sách giáo khoa để hiện thực hóa ước mơ làm giáo dục của mình.
Gần đây tôi thường sang Singapore để tham khảo cách khai thác dòng sách này và tôi tin sẽ đến lúc doanh nghiệp tư nhân được phép tham gia vào lĩnh vực sách giáo khoa.
* Là người nhiều ý tưởng và luôn có kế hoạch hành động, vậy tham vọng của ông đối với doanh nghiệp của mình thì như thế nào?
– Với chính sách, môi trường và những khó khăn của Việt Nam hiện nay, theo tôi ít có doanh nghiệp nào đặt ra tham vọng quá lớn cho mình. Tôi cho rằng mô hình Small Giants (Người khổng lồ nhỏ) dành cho doanh nghiệp có quy mô dưới 500 nhân viên, nhưng cố gắng trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực của mình là giải pháp khả thi cho đa số doanh nghiệp Việt Nam.
Mấy năm trước, tôi được mời tham dự Hội thảo INC500/5.000 – hội thảo của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phát triển nhất nước Mỹ tại Washington DC.
Tham dự Hội thảo, tôi được biết nhiều doanh nghiệp Mỹ làm những việc mà người Việt Nam khó có thể hình dung, chẳng hạn như Công ty Beryl ở Texas là một tổng đài chuyên cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe cho cộng đồng. Người bệnh gọi đến sẽ được khuyên nên đi khám ở đâu, chi phí thế nào cho rẻ, nên gặp bác sĩ nào, bảo hiểm ra sao.
Hay có công ty chuyên Xây nhà tại các khu nghỉ mát và bán kiểu sở hữu 1/52 căn hộ. Người mua chỉ phải bỏ tiền mua 1/52 căn hộ, và họ cùng gia đình có quyền đi nghỉ ở đó một tuần trong năm. Rất nhiều SMEs của Mỹ đã lấp vào khoảng trống dịch vụ mà nhà nước và các công ty lớn chưa thực hiện được. Doanh nhân Việt Nam có thể học hỏi và tận dụng điều này.
* Xin cảm ơn ông!