404: Not Found Thương nhớ mười hai – Nguyễn Cảnh Bình

Thương nhớ mười hai

Trước khi rời quê, tôi đến ngôi đền thờ của dòng họ bên bờ sông Lam. Ngay sát đập Bara được xây dựng năm 1930 là ngôi đền có từ cuối thế kỷ XV giờ đây gần như là di tích duy nhất nằm trơ trọi giữa cánh đồng trồng ngô.

Chạy suốt dọc vài cây số từ đập nước này xuống thị trấn là cánh đồng luân phiên trồng lúa, trồng ngô.. Ngày bé khi về quê, khi đến đây, tôi cứ tưởng quanh ngôi đền là ruộng, nhưng rồi nhờ ông nội và cha tôi, tôi hiểu ra dòng chảy lịch sử, nhìn thấy sự mất mát và tàn phá của văn hoá và di sản, nhìn thấy sự nông cạn và ấu trĩ của con người..

Té ra, suốt 500-700 năm qua, quanh đó, trên cánh đồng trồng ngô khoai đó lại là nền tảng một ngôi làng mang tên Trường Thịnh rồi vì kỵ huý mà 200 năm trước phải đổi tên là Tràng Thịnh.. Cái tên làng Tràng Thịnh của dòng họ Nguyễn Cảnh ở ngay bên bờ sông Lam đấy đã nói lên rất nhiều về dòng họ, quê hương, tổ tiên của chúng tôi (như anh Cảnh Hoàng nói)
– ngôi làng thịnh vượng lâu dài..

Tổ tiên tôi sống ở đấy, nhà cụ nội tôi ở đấy, ở ngay cạnh đền, nhà kỵ tôi cũng ở đấy, nhiều đời dòng họ tôi ở đấy, nhà thờ vị tổ giàu có nhất, hưng thịnh nhất cũng ở đó, những miếu thờ/di tích trong gia phả ghi cũng ở đó, trù phú suốt bao năm bên bờ sông Lam.

Vậy mà thật đúng là “trải qua một cuộc bể dâu”, một ngôi làng Tràng Thịnh trù phú nhất xứ Lường mà nay không còn một nóc nhà, ngoại trừ ngôi đền thờ Đại tôn dòng họ sừng sững, uy nghi bên bờ sông Lam mới thấy sự tàn phá của con người là ghê gớm thế nào.

Khoảng năm 1956-1960, huyện/uỷ ban cải cách bắt dân làng Tràng Thịnh phá hết nhà, phá bỏ nhà thờ, đền thờ, miếu, cây cối nhà cửa, tháo cả đình làng Tràng Thịnh để dời vào chân núi khai phá đất đồi, đất sỏi đá dựng nhà, rồi cày xới tất cả mảnh đất làng Tràng Thịnh để trồng ngô. Để lấy đất trồng ngô hay để phá hết di sản phong kiến cổ hủ, phản động…?

Tôi không biết, danh nghĩa là lấy đất trồng ngô nhưng dường như phá bỏ di tích mới là mục đích chính. Không biết ở làng này hay làng bên cạnh có một ông lý trưởng tên là Nguyễn Cảnh Bình, mọi người gọi là ông Lý Bình bị xử bắn trong dịp đó. Ông nội và bác ruột anh Cảnh Hoàng dịp đó nhảy sông tự tử vì sợ…

Kể từ đó, di tích trong gia phả, ngôi nhà cụ nội tôi và bao di tích của ngôi làng ngàn năm thịnh vượng không còn, trừ ngôi đền các cụ già kiên quyết không dỡ bỏ, không di dời.. Giờ đây, cũng trên mảnh đất đó đang hiện lên một khu cư dân sang trọng mọc lên, một khu đô thị phân lô bán nền vài tỷ một khoảnh, trên nền đất của tổ tiên chúng tôi.

Nhưng thật may mắn vẫn còn đó ngôi đền thờ thường gọi là Đại tôn Nguyễn Cảnh trên khuôn viên 15.000m2 giữa khu đô thị mới . Có lẽ đó thể hiện phần nào đó sự trường tồn của dòng họ chúng tôi – nơi chứng kiến những biến động thăng trầm của lịch sử từ thời Lý Nhật Quang, qua những cuộc chiến tranh Nam Bắc triều, qua những trận bom và qua những đổi thay của thời cuộc..

Tôi nhớ cuốn sách “Thương nhớ Mười hai” của Vũ Bằng đọc man mác buồn những năm tuổi trẻ, và gọi cái khoảnh khắc đứng bên sông Lam này cũng là Thương nhớ Mười hai..
Làng Tràng Thịnh.
1/3/2024

Related Posts

Leave a Reply

My New Stories