Bài viết được Nguyễn Cảnh Bình viết đăng trên báo Dân Trí ngày 26/12/2022
Link bài viết: https://dantri.com.vn/tam-diem/truc-ket-noi-dong-ho-vi-su-phat-trien-nong-thon-20221225232143620.htm
Trên báo Dân trí cách đây không lâu, tôi đã viết bài về sự đứt gãy văn hóa ở các làng quê và tôi không muốn dừng lại ở đó, mà muốn kiếm tìm những mảnh ghép, những kết nối cho sự khôi phục, cho sự hàn gắn những đứt gãy đó. Những ngày cuối năm, nhân các cuộc gặp gỡ đồng hương, dòng họ, tôi càng nghĩ nhiều về vấn đề này.
Cấu trúc xã hội Việt Nam đã và đang có những biến động lớn lao mà một nguyên nhân lớn là những dòng di dân từ nông thôn ra thành thị, từ Bắc vào Nam đã mang đến thay đổi rất sâu sắc.
Quá trình di dân đó chủ yếu gắn với quá trình đô thị hóa, hình thành những đô thị lên tới 10 triệu người như Hà Nội hay TPHCM, những đô thị nhỏ hơn như Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng… Quá trình này để lại những khoảng trống cho các vùng nông thôn, không chỉ trống vắng về con người (ở nhiều vùng nông thôn giờ chỉ còn người già), mà còn trống vắng các hoạt động văn hóa và sự kết nối thế hệ.
Rõ ràng một đất nước muốn phát triển cân bằng thì phải “lấp đầy” các khoảng trống đó, phải xây dựng, nuôi dưỡng một hệ sinh thái với những vùng nông thôn có chất lượng văn hóa và cuộc sống cao, tạo ra sự phát triển hài hòa. Đây là thách thức vô cùng lớn, nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Thông thường chúng ta sẽ nghĩ đến câu chuyện đầu tư xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từ các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương, từ đóng góp của doanh nghiệp. Đây là những chủ trương đúng và cần thiết. Về phần mình, tôi nghĩ đến một “giải pháp mềm” mà chúng ta có thể thúc đẩy thông qua sự kết nối của những dòng họ – tạo ra trục kết nối phát triển nông thôn trong xã hội hiện đại. Nói là “giải pháp mềm” bởi đó không phải là những khoản đầu tư “phần cứng” có thể nhìn thấy ngay như con đường, cây cầu…, song nó sẽ tác động vào “phần mềm” – tư duy con người – để tạo sức mạnh lan tỏa.
Việt Nam là một dân tộc Á Đông với những đặc điểm rất điển hình: Tính gắn bó cộng đồng lớn. Người Việt gắn bó với dòng họ, với làng quê hơn nhiều so với phương Tây. Thế hệ F1 (thế hệ sinh ra ở nông thôn nhưng di cư ra các đô thị) thì sự gắn bó rất chặt chẽ, nhiều người về quê thường xuyên hoặc cho dù không thường xuyên thì “tình quê” vẫn đậm đặc. Sang thế hệ F2, sinh ra ở đô thị (là con cái của thế hệ F1) và thế hệ F3, sự kết nối với quê hương dù mờ nhạt dần nhưng không phải mất hết. Tôi đã chứng kiến nhiều dòng họ duy trì khá tốt sự kết nối dù sang thế hệ F2, F3.
Con cháu họ Hồ ở Quỳnh Lưu dù là thế hệ sinh ra ở Hà Nội, ở TPHCM vẫn luôn nhớ đến dòng tộc, quê hương mình. Hay như dòng họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương, việc trùng tu di tích có sự hảo tâm, tài trợ từ các con cháu họ Vũ, Võ khắp mọi miền tổ quốc; trong đó có ông Võ Hồng (dù quê ở Thanh Chương, Nghệ An) nhưng lại gắn bó với gốc gác dòng họ Vũ/Võ ở Hải Dương rất sâu sắc. Hay những câu chuyện về dòng họ Cao ở Diễn Châu, họ Lê ở Thanh Hóa, dòng họ Thân ở Bắc Ninh, họ Trần ở Nam Định, họ Phan ở Hà Tĩnh… và rất nhiều những dòng họ lớn có con cháu tài giỏi, thành đạt luôn hướng về quê hương, dòng tộc.
Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về các dòng họ ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu sơ bộ về các dòng họ ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc và cả ở Israel; khi chia sẻ mối quan tâm của tôi với các nhà nghiên cứu thì tất cả đều thống nhất rằng mối quan hệ huyết thống, dòng tộc là sợi dây gắn bó con người với nhau, qua đó có thể hình thành các hoạt động tương trợ hoàn toàn tự nhiên.
Đơn cử ở Nhật Bản, Satou là một trong những họ phổ biến nhất và có rất nhiều nhân vật nổi tiếng mang họ này. Đa phần những người mang họ Satou khi được hỏi đều thể hiện sự hãnh diện với dòng họ của mình, hãnh diện về nguồn gốc một gia tộc to lớn và cha ông họ đã có nhiều đóng góp nổi bật cho đất nước. Truyền thống đó chính là sức mạnh văn hóa để các thế hệ mang họ Satou dù sinh ra lớn lên ở đâu luôn ý thức cao về nguồn cội và sự nỗ lực của bản thân.
Trong quá trình phát triển đất nước những thập niên vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các hoạt động của kiều bào hướng về quê hương, nguồn cội; ở trong nước thì hoạt động của các hội đồng hương… Nhân lên những mặt tích cực và tốt đẹp của các hoạt động này, chúng ta có thể nghĩ đến việc phát huy giá trị kết nối, tương tác của các dòng họ để tạo thành cảm hứng, nguồn lực cho sự phát triển của các vùng quê.
Tôi luôn tin rằng, con người gắn bó nhất với gia đình, dòng họ rồi mới đến quê hương bởi khái niệm quê hương, quê cha hay quê mẹ, sẽ dần mờ nhạt qua các thế hệ nhưng mối kết nối dòng họ sẽ còn kéo dài.
Riêng tôi, rõ ràng tôi gắn bó với dòng họ, với các di tích và di sản của dòng họ Nguyễn Cảnh nhiều hơn các di tích của Đô Lương, của Nghệ An. Tôi tham gia hoạt động ở Hội đồng hương của tỉnh nhưng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trong dòng tộc Nguyễn Cảnh. Tôi tin đây là điều tự nhiên của mỗi con người.
Vậy sự phát triển của dòng họ có thể giúp ích gì cho quê hương? Tôi nghĩ đó là mối quan hệ hai chiều. Là con người luôn nhớ về cội nguồn, về quê cha đất tổ như chúng ta hay nói, và cũng nơi họ đi về. Đó là các hoạt động du lịch, du lịch tâm linh và du lịch dòng họ mà chính chúng tôi đang thử nghiệm triển khai, một tour du lịch đi thăm các di tích của dòng họ, các hoạt động khuyến học, đầu tư, xây dựng, tương trợ lẫn nhau.
Nếu như đồng hương là tập hợp những người sở hữu nhiều điểm chung, như chung quê quán, chung giọng nói, ít nhiều chung đặc tính văn hóa, thì trong dòng tộc chắc chắn còn nhiều điểm chung hơn nữa. Như tôi đã nói ở trên, nhân lên các giá trị tốt đẹp của sự tương đồng này chứ không phải là sự cục bộ, chính là cách mà các vùng đất và cộng đồng người lưu giữ truyền thống, tính cách của mình. Qua đó chúng ta có thể khai thác nguồn lực chất xám, trí tuệ và các nguồn lực khác để phát triển quê hương mình, cả về du lịch, văn hóa, kinh tế.
Vậy còn các địa phương có thể làm gì để thúc đẩy những mối quan hệ và khai thác nguồn lực này? Cũng tương tự như thúc đẩy mối quan hệ với các hội đồng hương, các địa phương có thể xây dựng, thúc đẩy và duy trì truyền thống dòng họ, nhất là các dòng họ lớn; phối hợp với các dòng họ khích lệ các hoạt động tìm hiểu truyền thống văn hóa, di sản và tạo sự kết nối trước hết trong dòng họ, sau đó rộng hơn đến quê hương.
Thời gian qua, mô hình hội đồng hương đã ít nhiều đóng góp vào sự phát triển của xã hội, không phải chỉ vấn đề kinh tế mà quan trọng hơn là văn hóa, là sự kết nối cộng đồng. Nhân dịp năm hết Tết đến, khi mỗi người trong chúng ta đều nghĩ về quê hương, ông bà tổ tiên, tôi muốn nêu vấn đề trục kết nối dòng họ và tin rằng nếu được phát huy tốt hơn nữa thì trục kết nối này sẽ tạo ra những giá trị văn hóa to lớn cho xã hội Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Cảnh Bình