Kiếm những đồng tiền đầu tiên.
Tôi bỏ bê việc học hành, chỉ đi lang thang, chơi bời với bạn bè, thời gian còn lại thì đọc sách. Nhưng ngoài việc đọc sách, điều tôi muốn làm nhất là kiếm tiền. Tôi muốn lao động chân tay, hay bất cứ thứ gì cũng được để kiếm tiền. Vì tôi ghét sự nghèo, cảm thấy bực bội mỗi khi phải xin tiền học. Tôi thấy bất lực, bế tắc với cuộc sống. Giờ nghĩ lại tôi không thể hình dung tại sao tôi lại có những năm tháng bạc nhược & hèn kém, tồi tệ đến mức như vậy… Có lẽ trong giai đoạn đó việc lao động, kiếm sống, kiếm tiền dù rất nhỏ nhoi và việc đọc sách mới giúp tôi có đôi chút niềm vui.
Chỉ một tuần sau khi thi đại học, Vũ Quý, thằng bạn cấp 3 từng đi hái hoa trộm với tôi ở Vườn Hồng suýt bị bắt rủ tôi làm thợ in lưới ở Hàng Than. Chúng tôi cặm cụi lao động suốt những ngày hè năm 1989, cho đến khi có kết quả đỗ đại học và chuẩn bị nhập trường mới thôi. Cứ sáng sớm, đạp xe đạp lên cái xưởng in lưới nhỏ bé ở tầng 2 đấy, kẽo cọt kéo cái khung lưới, cái cần gạt… để in ra các nhãn hàng, và đó là cuộc sống của chúng tôi dạo đó.
Vào đến đại học, tôi lại đi theo anh Sơn quắt buôn bán. Anh Sơn đi xe máy cà tàng, thích đi buôn vì phải tự lo cuộc sống từ nhỏ, đấy vất vả chứ không phải loại thư sinh được bố mẹ nuôi ngày ba bữa như chúng tôi. Có giai đoạn anh Sơn nấu bia lậu, mua bia hơi là loại bia cỏ rẻ tiền về đóng giả vào chai bia Hà Nội, rồi cho vào nồi luộc rồi đem bán. Có hôm khi đi học về, tôi và anh về đến nhà anh thì thấy bia đổ lênh láng, mẹ anh nói là công an hay dân phòng vào kiểm tra và đập vỡ tất cả… Anh Sơn ngồi giữa sân khóc, còn tôi thì ngồi thừ ra chẳng biết làm gì, rồi đứng lên im lặng đi bộ về nhà, tôi nghĩ con đường đó sẽ chẳng dẫn đến đâu cả.
Lần khác chúng tôi đi quét sơn cạo rỉ trong Viện khoa học Việt nam ở đường Hoàng Quốc Việt. Đó là mùa hè năm thứ 2 đại học, khi đó Kỷ Anh quen ai đó ở Viện Nhiệt đới nên một cán bộ của Viện có đơn đặt hàng là sơn một loại polime đặc biệt cho một bồn xi téc để chứa acid sunfuric H2SO4, là loại ăn mòn kim loại, nên họ thuê 2 đứa chúng tôi làm việc chân tay đó. Chúng tôi phải thay phiên nhau chui vào trong bồn sắt chật chội 10m3 đó cạo rỉ bắng giấy nháp thật sạch rồi quét loại dung dịch sớn polyme gì đó. Chúng tôi chụp khẩu trang loại rất đơn giản như mọi người đi xe máy bây giờ dùng, đeo kính chui vào bồn. Cứ chừng 1 tiếng lại chui ra nghỉ và thở, còn bên trong thì bụi mù hoặc đầy mùi hóa chất.. Chúng tôi chổng mông vào nhau mà làm, mỗi đứa một góc. Công việc diễn ra trong khoảng một tháng, làm ngày nào nhận tiền ngày đấy, hình như 5.000-7.000 đồng.
Đó là lần đầu tiên tôi được vào Viện khoa học Việt Nam, được xem, nghe và gặp, quan sát hoạt động của Viện. Lần đầu tiên tôi biết các “viện sĩ” đang làm gì, phòng thí nghiệm ra sao, và buổi trưa họ ăn gì, họ nói chuyện với nhau thế nào, những câu chuyện về nền khoa học nước nhà. Dù không quá xa lạ với tôi vì hồi nhỏ tôi đã được vào các phòng thí nghiệm ở trường Dược cùng mẹ tôi, nhưng khi lớn lên, đến lúc đó, khi chứng kiến cuộc sống, suy nghĩ, hành động của các “viện sĩ viện hàn lâm” tôi mới hiểu rõ nền khoa học nước nhà yếu kém, nghèo nàn và lạc hậu đến thế nào.
Các nhà khoa học cơ bản đi kiếm tiền nuôi sống bản thân chứ dù muốn có lẽ cũng chẳng nghiên cứu hay phát minh được điều gì to tát… Nhìn chung, tôi chẳng thấy sức sống ở đó, không có nền khoa học nào nghiêm túc, to tát như tôi tưởng tượng, hay chí ít rất ít chỗ, rất ít nhà khoa học thực sự. Có vẻ như mọi người tìm cách đánh quả chỗ này, làm cái vụ chỗ kia, thêm thắt thêm vào đồng lương ít ỏi của mình. Cả xã hội như thế làm sao đòi hỏi các nhà khoa học làm khác? Mà họ phải sống đã rồi mới nghiên cứu được khoa học..
Tôi còn đi buôn giấy với Dương Đức Nghĩa và Hạnh hoi (bây giờ là chủ của trường Nguyễn Siêu). Chuyện này đến bây giờ vẫn khiến chúng tôi buồn cười vì sự ngây thơ của mình. Đợt đó, Nghĩa chơi thân với Hạnh, chúng nó tìm được một mối bán giấy tức là vở 5 hào 2 giá rẻ nào đó nên rủ tôi đi buôn. Chúng tôi mua buôn chừng 500-1000 tập gì đó rồi đi bán lẻ lại nhưng chẳng chuẩn bị gì, chẳng có kế hoạch gì, nên chỉ biết bán cho bạn bè người quen chứ cũng không bán ra bên ngoài được. Cứ gặp đứa bạn nào lại gạ gẫm nó mua hộ dăm cuốn. Nhưng bán như thế thì mãi cũng chẳng bán thể nào bán hết được. Hình như chúng tôi còn ế cả một đống vở hay sao ấy.
Tôi còn đi cưa gỗ đóng thùng và lọc bột tan cho trường Dược nơi mẹ tôi làm việc. Đám bạn tôi khi đấy còn đi buôn pháo Bình Đà hay như có lần buôn cau và chè từ Phú Thọ về cùng với cô Mai, mẹ của Phú Bình. Có lần 10h đêm, tôi và Duy Tuấn mới làm xong và đi về đói meo, mệt mỏi. Mẹ tôi đưa cho mỗi thằng chừng 10.000 đồng và Duy Tuấn bảo: Bình ơi, mày biết không, đây là những đồng tiền đầu tiên tao kiếm được đấy!
Còn một chuyện nữa là tôi học thằng Cường Sún trong Quốc hội 8A nuôi chim cút. Nhà Cường sún nuôi chim cút suốt từ khi chúng tôi học cấp ba, quy môn lớn như trang trại, có lúc tới 6000 con. Ngày đó tôi không hình dung được tính kinh tế tài chính lãi lỗ của những việc như vậy, tôi chỉ hiểu láng máng rằng nuôi thì cũng kiếm được ít tiền. Ví dụ chi từng này tiền giống, tiền ăn, đẻ được bao nhiêu trứng rồi bán được bao nhiêu tiền thì lãi… Nhờ Cường sún động viên, tôi cũng biết được một vài điều nên cũng thử nuôi khoảng 100-200 con chim cút vì vốn liếng chẳng có nhiều. Tôi tự cưa gỗ, vót tre, đóng đóng chuồng chim, rồi cũng đi mua cám về cho chim ăn, rồi hàng ngày cho đám cút đó uống nước, cho ăn… tất tật mọi thứ đều tự làm. Sau vài tháng, mỗi ngày chim cút đẻ ra gần trăm quả trứng, tôi cứ gần như một tuần một hai lần, mang bán một đợt vài trăm quả cho một bà người quen, là chủ một hàng nước ở đường Triệu Việt Vương.
Mấy chuyện lao động, buôn giấy, nuôi chim cút đó giờ tôi chẳng nhớ lãi lỗ thế nào, và cũng chỉ có thêm ít tiền nhỏ bé nhưng việc này giúp cho tôi hiểu thêm về kiếm tiền, về lao động. Bây giờ nhìn lại thấy chúng tôi ngày đó thật ngô nghê, ngờ nghệch. Tôi chẳng đủ máu mê kiếm tiền để có thể bỏ học, lao ra làm cái gì đó to lớn hơn, mà chỉ kiếm tiền kiểu cò con như thế. Nhưng thật ra, tất cả những lao động vất vả gian khó đó giúp cho tôi trưởng thành, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt đầu tiên của tôi, do tôi kiếm được bằng sức lao động vất vả của mình.
Trích cuốn Sinh năm 1972.
Cám ơn tất cả các bạn.