404: Not Found Nguyễn Cảnh Bình – “Tôi Từng Chứng Kiến Vô Số Những Tay Trẻ Gục Ngã …Chỉ Sau 1-2 Năm Ra Trường” – Nguyễn Cảnh Bình

Nguyễn Cảnh Bình – “Tôi Từng Chứng Kiến Vô Số Những Tay Trẻ Gục Ngã …Chỉ Sau 1-2 Năm Ra Trường”

2

Tôi từng chứng kiến vô số những tay trẻ gục ngã giữa đường, gục ngã chỉ sau 1-2 năm ra trường, chỉ sau vài năm hào hứng và đầy tự tin về giấc mơ 1 triệu đô trước tuổi 30. Ảo tưởng!

Tôi gọi đó là thế hệ “Cha giàu, con nghèo” khi có quá nhiều bạn trẻ ảo tưởng rằng sự giàu có đến nếu chỉ cần đọc thuộc làu cuốn sách Cha giàu, Cha nghèo, ảo tưởng về đầu tư tài chính, về thành lập công ty trước khi rời ghế nhà trường. Ảo tưởng về một thứ “đi tắt, đón đầu” ! Dĩ nhiên, không phải tất cả đều thất bại, nhưng hầu hết. Chỉ có vài người thành công, rồi thành công ấy lại được tô vẽ khiến những đứa trẻ khác ảo tưởng. Và kể cả vài sự thành công được tô vẽ đó cũng không biết sẽ màu mè được bao nhiêu lâu. Vô số xác chết doanh nghiệp, vô số những giấc mơ, tham vọng tan biến chỉ sau vài tháng bước chân vào công cuộc kinh doanh phũ phàng. Và những kẻ bại trận đó không nói một lời hoặc âm thầm cam chịu rồi từ từ biến mất…

Mơ một giấc mơ đẹp, bạn chỉ mất một ngày nhưng để có kỹ năng phát triển bản thân, làm nền tảng cho thành công của cả cuộc đời, bạn cần từ 5 năm tới 10 năm miệt mài, thậm chí cần cả cuộc đời không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng. Và bạn cần bắt đầu từ 14-15 tuổi hoặc sớm hơn chứ không phải chờ đến 25 tuổi, khi đã nếm trải thất bại, vét sạch số tiền tự mình tích góp được hoặc của bố mẹ tin tưởng giao cho. Và để thành công, bạn không cần gì khác ngoài những mơ ước, mục tiêu, sự nỗ lực không ngừng và nhất là phải trang bị cho bản thân những kỹ năng quan trọng, cần thiết đế hiện thực hóa những ước mơ đó.
Mười hay mười lăm năm trước, tôi rất ngạc nhiên khi gặp những “đại gia” thực sự của Việt Nam, với những kỹ năng điêu luyện và thành thạo đến mức khó tin. Họ không có điều kiện học hành bài bản như hầu hết các bạn trẻ hiện nay, nhưng kỹ năng hoạch định kế hoạch, phác thảo tầm nhìn, tư duy, nói, viết, thuyết phục của họ thật tuyệt vời.
Nhiều người trong số đó khi lập nghiệp chưa từng nghĩ sẽ sau này họ trở thành tỷ phú, họ đơn giản chỉ muốn làm việc với niềm đam mê chế tạo ra con xe, sản xuất cái quạt, chiếc đồng hồ… Tôi đã có dịp chứng kiến một “đại gia” ngồi chỉ bảo tỉ mỉ cho 3 kỹ sư thế hệ 7X, 8X từng chi tiết cần sửa của chiếc xe khách. Ông ta mới chỉ tốt nghiệp đại học Mỏ. Cũng chính “đại gia” đó đã phác ra mô hình khu trang trại bằng những que diêm cho đám kiến trúc sư học hành bài bản ngồi lọ mọ thiết kế chi tiết sau này. Tôi cũng từng nghe kể về kỹ năng của đại gia V., người đã chỉ cho các kỹ sư của mình từng vị trí rồi cách thức xây dựng của các tòa nhà trong cả một khu dự án hàng chục hecta. Bạn đừng cho rằng họ chỉ có tham vọng. Đừng nhầm lẫn rằng họ chỉ có mong muốn làm giàu. Đừng nghĩ họ chỉ quan tâm đến toàn cục hay vẻ bề ngoài.
Tôi tin chắc những con người thành đạt đó thực sự nắm rõ về ngành nghề của họ hơn những kẻ tự xưng là chuyên gia, hay nhà chuyên môn chỉ biết nói nhăng nói cuội. Donald Trump chắc chắn không chỉ có tư duy kinh doanh, mà còn có tư duy về thiết kế hơn bất cứ tay kiến trúc sư hay thiết kế nào; Bill Gates không chỉ biết đến kiếm tiền mà còn nắm rõ các khối lập trình rồi diễn đạt nó cho đám lập trình viên, và còn rất nhiều bài học hữu ích từ những nhân vật nổi tiếng thành công khác nữa.
Tôi mê say tìm hiểu về Warrent Buffett qua cuốn sách Warrent Buffett – Sự hình thành một nhà tư bản Mỹ đã được Alpha Books xuất bản, đặc biệt là giai đoạn ấu thơ của ông. Bây giờ, nhiều người nói chỉ cần học các nguyên tắc đầu tư của ông là có thể kiếm tiền, giàu như ông. Này, đừng nhầm như thế. Đừng ảo tưởng rằng chỉ cần đọc qua loa vài nguyên tắc của ông rồi áp dụng nó để kiếm tiền. Nếu đọc kỹ hơn, bạn sẽ hiểu rằng, đằng sau những nguyên tắc tưởng như đơn giản chỉ cần học trong vài tuần là cả một quá khứ, bề dày kinh nghiệm hàng chục năm quen thuộc với các con số, quen thuộc với hoạt động doanh nghiệp…
Từ Henry Ford, Sam Walton cho đến Steve Jobs, tất cả họ đều giống nhau, tỉ mỉ trong từng chi tiết công việc với những kỹ năng tuyệt vời. Ai có thể tự tin rằng mình giỏi thuyết trình như Steve Jobs? Ai tự tin đã gõ búa nhiều như Henry Ford? Ai tự tin chú ý đến từng cái tăm, từng sợi chỉ trong từng cửa hàng bán lẻ như Sam Walton…? Trong tất cả mọi cuốn sách về các nhân vật lịch sử, chính trị gia, doanh nhân… tôi luôn dành mối quan tâm hàng đầu đến thời niên thiếu của họ. Tôi tò mò muốn tìm hiểu và khám phá xem họ đọc gì, làm gì, nghĩ như thế nào, rèn luyện ra sao… Sau này, nhiều hội thảo đều đề cập đến bí quyết làm giàu của W.Buffett và cuối cùng đưa ra lời khuyên rằng, hãy đầu tư theo cách của ông ta, bạn nhất định sẽ giàu. Thật điên rồ và ảo tưởng hết sức! Thử nghĩ xem, nếu bạn không có tố chất như W. Buffett, không nỗ lực rèn luyện suốt thuở thiếu thời, cũng không có kỹ năng thành thạo như ông, bạn sẽ không bao giờ giàu như ông ta chỉ thuần túy nhờ vào việc học các nguyên tắc đầu tư.
Sách không bao giờ đủ cho những người muốn rèn luyện kỹ năng, và đương nhiên, chúng ta không thể thiếu sách nếu muốn sở hữu những kỹ năng thành thạo. Một số cuốn sách mà theo tôi sẽ rất hữu ích đối với các bạn trẻ là Bộ S4S (gồm 50 điều trường học không dạy bạn, 20 điều cần làm trước khi rời ghế nhà trường, Bản CV hoàn hảo, Vượt qua thử thách trong phỏng vấn tuyển dụng) giúp các bạn trẻ trang bị nhiều kỹ năng cần thiết cho công cuộc tìm kiếm việc làm; Bộ Thật đơn giản: Thuyết trình, Phỏng vấn tuyển dụng, Quản lý dự án cung cấp cho bạn trẻ những bí quyết giúp bạn trau dồi được kỹ năng thuyết trình, thiết lập và quản lý các dự án công việc; hoặc gần đây nhất là những cuốn sách do Alpha Books biên soạn như Người giỏi không bởi học nhiều – chìa khóa tiếp cận với những kỹ năng sống và học tập thông minh để đat được những kết quả cao nhất; hay Những điều doanh nghiệp không dạy bạn- cung cấp những kỹ năng gần gũi và cơ bản nhất cần có đối với những sinh viên năm cuối hoặc những người vừa tốt nghiệp các trường đại học đang lao mình vào công cuộc tìm kiếm việc làm đầy tính cạnh tranh.
Bạn có thể đọc đến hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách, nhưng điều then chốt nhất là bạn phải rèn luyện. Nếu muốn giỏi viết lách, bạn phải tập viết thư một trăm lần, thậm chí cả nghìn lần. Nếu muốn biết cách thuyết trình, bạn phải tập nói lưu loát, trình bày rõ ràng quan điểm của mình trước bạn bè, trước nhóm, rồi cho đến đám đông, không phải dăm mười lần mà hàng trăm, hàng nghìn lần. Nếu muốn lên kế hoạch tốt, bạn phải tập tành tỉ mỉ, chi tiết từ những bản kế hoạch nhỏ, dần dần đến kế hoạch cho những việc lớn hơn, kế hoạch cho 1 ngày, 1 tuần, rồi 1 tháng, 1 năm, 5 rồi 10 năm… Hãy hành động ngay từ hôm nay bằng cách trau dồi và hoàn thiện những kỹ năng của bản thân, nỗ lực làm việc, làm chủ cỗ xe thành công, làm chủ cuộc sống của bạn!

Related Posts

Leave a Reply

My New Stories